Khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là khi chuyển từ mùa đông sang mùa xuân, lúc này thời tiết ẩm ướt khiến nấm mốc phát triển và phát tán các bào tử nấm vào không khí. Mùa xuân là mùa trăm hoa đua nở và phát tán vào không khí lượng phấn hoa nhiều vô kể. Bào tử nấm và phấn hoa chính là các tác nhân chính gây nên bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em.
Khi mắc bệnh viêm mũi dị ứng, trẻ em thường có những biểu hiện như sau:
- Ngứa mũi là hiện tượng đầu tiên, biểu hiện là trẻ thường lấy tay day vào mũi và hắt hơi từng hồi.
- Ngạt mũi, khó thở nhiều lúc phải thở bằng miệng.
- Chảy nhiều nước mũi trong, loãng khiến trẻ thường lấy tay quệt ngang mũi gây kích ứng tấy đỏ vùng dưới mũi.
- Ngoài ra, trẻ còn có biểu hiện chảy nước mắt, kêu đau đầu, đau họng.
Để phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng cho trẻ lúc giao mùa chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, luôn giữ không khí trong nhà luôn khô ráo (có thể chạy điều hòa hoặc máy hút ẩm trong những ngày trời nồm).
- Không nên trồng hoặc để các loại hoa có nhiều phấn trong nhà.
- Không nên cho trẻ chơi dưới những tán cây đang nở hoa có nhiều bụi phấn.
- Vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày bằng cách đánh răng, súc miệng bằng nước súc miệng hoặc nước muối sinh lý, rửa mũi bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối biển sâu.
- Tăng cường cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Khi trẻ bị viêm mũi dị ứng các triệu chứng của bệnh làm cho trẻ rất khó chịu, quấy khóc, biếng ăn, không ngủ được. Các bậc phụ huynh cần tìm và loại bỏ hoặc tách bé ra khỏi môi trường có tác nhân gây dị ứng. Ngoài ra, cần vệ sinh mũi hàng ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối biển ngày 2-3 lần.